“Cây đa, bến nước, sân đình” những dấu ấn đặc trưng của làng quê Bắc Bộ Việt Nam đã hội tụ, hiện hữu trên quê hương Mộ Lao, thuộc quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Cũng trên vùng đất địa linh, nhân kiệt này, Đình Mộ Lao chính là vệt nối diệu kỳ của quá khứ cách mạng hào hùng với nhịp sống đô thị hiện đại và tương lai phát triển nhanh, mạnh, bền vững; là nguồn động lực thôi thúc mỗi người dân không ngừng học tập, lao động, cống hiến; là niềm thương, nỗi nhớ của biết bao người con khi phải rời xa mảnh đất quê cha, đất tổ của mình…
Những cụ cao niên trong phường thường kể cho con cháu nghe về Đình Mộ Lao, cũng như khi xưa các cụ được ông bà kể lại. Quá khứ, những giá trị văn hóa truyền thống vẫn cứ hiện hữu đầy sống động qua nét cong mái đình, qua trang sử hào hùng chống giặc giữ nước… Những sợi tóc nhuộm màu mây trắng bên những mái đầu xanh cứ tiếp nối như vậy không biết bao nhiêu thế hệ để truyền tình yêu, niềm tự hào sâu sắc về Đình Mộ Lao – Di tích văn hóa cấp quốc gia - đến mãi muôn đời.
Đình Mộ Lao thờ thần Cao Sơn đại vương. Thủa xưa triều Hùng khai sáng cơ đồ nước Việt Nam ta, vào cuối thời Hùng Vương thứ 18 ở đạo Hồng Châu có cặp vợ chồng sinh ra 2 người con trai tuấn tú, thái bà đặt tên cho người anh là Cao Sơn (tên tục là Nguyễn Hiền), người em đặt tên là Quý Minh (tên tục là Nguyễn Sung). Sách sử ghi chép, Cao Sơn là vị thần rất linh thiêng được nhiều nơi thờ phụng với mỹ từ “Cao Sơn tế thế, hộ quốc khang dân, phù vận đương uy dực thánh”. Ngọc phả ở Đình Mộ Lao ghi công trạng thần Cao Sơn, khi thắng trận tướng quân cùng binh mã tiến thẳng vào đất Mộ Lao. Tương truyền vùng đất Mộ Lao, đặc biệt là nơi đất Đình, Đền, đó là nơi quân binh của Cao Sơn đã luyện binh mã chiến đấu chống giặc, ghi được chiến công giữ nước Văn Lang. Ngài còn bảo ban dân chúng làm ruộng, cấy lúa nước, trồng trọt hoa màu, làm thủy lợi, xây dựng làng xóm. Ngài dạy bảo dân chúng sống thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau, xây dựng làng xóm trù phú…
Sau khi ngài hóa, nhân dân kính trọng công đức của Ngài đã lập đền thờ phụng. Về sau các triều đại kế tiếp đều có sắc phong mỹ từ cho thánh Cao Sơn và lập tại đền, đình Mộ Lao. Có 18 đạo sắc phong, trong đó có đạo sắc phong sớm nhất vào thời Cảnh Hưng.
Vinh dự cho Đình Mộ Lao hàng ngàn năm đã thờ phụng thần Cao Sơn. Nhân dân tự hào đã lựa chọn chính nơi thần dựng đồn binh đánh giặc để dựng đền, đình thờ phụng. Đình Mộ Lao được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996. Đó là dấu tích lịch sử, văn hóa, là niềm tự hào lưu truyền cho con cháu Mộ Lao mãi mãi về sau. Lễ hội đại đám truyền thống của phường Mộ Lao được tổ chức 5 năm một lần, kéo dài trong 03 ngày từ ngày 14,15,16 tháng Giêng. Lễ hội gồm 2 phần, phần lễ do các cụ cao niên, uy tín thực hiện các nghi thức tế lễ trang nghiêm, thành kính, có rước thánh từ Đình ra Miếu; phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: bịt mắt bắt heo, trèo cây cột mỡ…
Lễ hội trở thành ngày vui chung của tất cả nhân dân, không phân biệt người làng Mộ Lao cũ hay những thành viên mới của các khu chung cư, biệt thự, liền kề…Tất cả đều trách nhiệm vì “việc làng”, “việc chung”, đoàn kết và tự hào lắm. Mối liên kết tình cảm đó không của cải vật chất nào có thể mua được. Văn hóa truyền thống có sức mạnh thật diệu kỳ, là sợi chỉ đỏ gắn kết mọi người trong niềm tự hào về nguồn cội, về sự đồng lòng xây dựng phường Mộ Lao phát triển ổn định, bền vững và đằm thắm nghĩa tình.
Năm 2020, dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, lễ hội đại đám có rước không được tổ chức nhưng những người dân phường Mộ Lao cũng như khách thập phương đều thành tâm bái vọng, cùng đoàn kết phát huy truyền thống bất khuất của cha ông, quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh, giành lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Mộ Lao hôm nay đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, mạnh. Trong sự nhộn nhịp, sôi động của cuộc sống đô thị, không gian phố phường dường như hạn hẹp với số dân gia tăng cơ học ngày càng nhiều, với sự gấp gáp của dòng xoáy kinh tế, mưu sinh. Tuy nhiên, khi đến với Đình Mộ Lao, chúng ta sẽ được hòa mình trong không gian văn hóa, đón nhận, tận hưởng sự thư thái, tĩnh tại, an nhiên, giúp chúng ta lấy lại sự cân bằng, sống thiện tâm, yêu đời, có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Chính vì lẽ đó, mỗi người dân Mộ Lao càng thêm trân trọng, gắn bó, bảo vệ, giữ gìn không gian văn hóa tín ngưỡng Đình Mộ Lao, ngôi Đình trải qua bao thăng trầm của lịch sử song vẫn tồn tại đến ngày nay và ngày càng phát triển cùng với sự đổi thay không ngừng của quê hương, đất nước.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là yếu tố không thể thiếu trong xây dựng, phát triển đô thị bền vững. Vượt qua thời gian, năm tháng, Đình Mộ Lao mang giá trị tinh thần to lớn, kết nối quá khứ với hiện tại và là động lực thúc đẩy xây dựng phường Mộ Lao ngày thêm văn minh, hiện đại. Mạch nguồn văn hóa truyền thống cứ chảy mãi, lấp lánh những giá trị nhân văn, nhân bản cho hôm nay và cho mai sau.
Viết bình luận