Lừa đảo trên không gian mạng đang diễn biến ngày càng phức tạp. Các kịch bản lừa đảo luôn thay đổi hòng chiếm đoạt tài sản của người dân. Đặc biệt, dịp lễ, Tết là thời điểm tội phạm mạng gia tăng hoạt động.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài 9 ngày, nhu cầu đi du lịch theo dạng tour trọn gói và tự túc các dịch vụ như vé máy bay, khách sạn… vì thế cũng gia tăng. Đây là "miếng mồi" cho nhiều chiêu trò lừa đảo trên nền tảng trực tuyến nhắm đến. Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cảnh báo, đã có người ở thành phố Hồ Chí Minh mua tour giá rẻ “Quy Nhơn 3 ngày, 2 đêm chỉ 1,5 triệu đồng/suất” rao trên mạng, tuy nhiên sau khi chuyển tiền theo hướng dẫn, khách hàng bị chặn liên lạc và tài khoản mạng xã hội này cũng biến mất.
Một hình thức lừa đảo khác phổ biến trong dịp Tết là giả mạo ngân hàng gọi điện hoặc nhắn tin thông báo về các gói vay ưu đãi hoặc cập nhật thông tin tín dụng. Sau khi nạn nhân làm theo hướng dẫn là cung cấp căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng, mức thu nhập... và chuyển tiền để "bảo đảm giao dịch", đối tượng lừa đảo đã chặn liên lạc và chiếm đoạt tiền.
Một hình thức lừa đảo khác mới xuất hiện gần đây là tin nhắn giả mạo, yêu cầu thanh toán lệ phí cầu đường còn thiếu, kèm theo đường link hướng dẫn. Để thúc giục nạn nhân, đối tượng đe dọa khoản nợ quá hạn, nếu không nhanh chóng thanh toán, việc đi lại trong dịp Tết sẽ bất tiện, thậm chí có thể bị truy tố. Khi truy cập vào đường link, nạn nhân sẽ được chuyển hướng tới trang web giả mạo, với yêu cầu cung cấp số thẻ tín dụng, thời gian hết hạn, mã số bảo mật CVV... để thanh toán. Từ đó, đối tượng chiếm đoạt thẻ của nạn nhân và thực hiện các giao dịch bất hợp pháp.
Sát Tết Nguyên đán cũng thường xuất hiện các lời mời gọi, cam kết đổi “tiền mới” với “giá rẻ nhất thị trường”, phí đổi tiền mới khoảng 5-6% giá trị tiền đổi. Tuy nhiên, những quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới trên các trang mạng xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người đổi tiền. Ngoài ra, các cuộc gọi mời tham gia các hội, nhóm, khóa học đầu tư chứng khoán, dụ dỗ tham gia đầu tư chứng khoán tiếp tục diễn ra. Đối tượng hướng dẫn nạn nhân truy cập vào các đường link, hoặc cài ứng dụng trên thiết bị di động mà chúng cung cấp để chuyển tiền, nạp tiền vào tài khoản rồi ủy thác đầu tư cho các đối tượng…
Báo cáo mới nhất của Cục An toàn thông tin cho thấy, trong tuần cuối cùng của năm 2024 và tuần đầu của năm 2025, có gần 7.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến gửi về các hệ thống báo cáo, giám sát an toàn không gian mạng.
Do vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo, luôn nhớ các nguyên tắc tuyệt đối không cung cấp mã bảo mật OTP tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân hay chuyển tiền cho người lạ…
Viết bình luận